Giới thiệu về vị tướng Ngô Quyền

NGÔ QUYỀN
(897-944)
Tài Cao Thao Lược Bạch Đằng

Vương Trùng Dương biên soạn

Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ IV (603-939) kéo dài từ triều đại nhà Đường đến thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, còn gọi là Ngũ Quý (907-960) ở Trung Hoa. Năm Đinh Mão (907), nhà Đường mất ngôi, Trung Hoa rơi vào tình trạng loạn suy bởi sự tranh giành quyền lực, lần lượt nắm quyền thống trị trong giai đoạn ngắn, lập nên Hậu Lương (907-923), Hậu Đường (923-936), Hậu Tấn (936-947), Hậu Hán (947-950) và Hậu Chu (951-960)...
 

image 20201115154246 1


Lợi dụng tình thế, năm Đinh Mão (907), nhà Đường suy tàn, thế lực với bên ngoài suy yếu, Khúc Thừa Dụ, hào trưởng ở Hồng Châu (Ninh Giang, Hải Dương) được lòng tín nhiệm của mọi người, nổi dậy giành quyền tự chủ, thay quan nhà Đường làm Tiết Độ Sứ đất Giao Châu. Một tấm lòng son nhưng mệnh vắn, nắm quyền được thời gian ngắn thì qua đời, con là Khúc Hạo nối nghiệp cha được mười năm, cải chính lại việc hành chánh và thuế má cho phù hợp đời sống người dân. Năm Đinh Sửu (917) Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay, giữ vai trò Tiết Độ Sứ. Trong thời gian nầy, Lưu Cung ở Quảng Châu, bất hòa với nhà Hậu Lương, đứng lên lập triều chính, xưng đế, quốc hiệu là Đại Việt, sau đó đổi thành Nam Hán.

Năm Quý Mùi (923) Vua Nam Hán đem quân sáng đánh thành Đại La, bắt được Khúc Thừa Mỹ rồi cử Lý Tiến làm Thứ Sử và Lý Khắc Chính làm Tiết Độ Sứ đất Giao Châu, áp dụng chính sách đàn áp, cuộc sống người dân trở lại thời kỳ đen tối.

Năm Tân Mão (931) vị tướng của Khúc Hạo ở đất Ái Châu (Thanh Hóa) là Dương Diên Nghệ, còn gọi là Dương Đình Nghệ, chiêu mộ nghĩa binh, đánh dẹp được quân Nam Hán, chiếm được Đại La, làm Tiết Độ Sứ. Dưới quyền của Dương Diên Nghệ có hai vị tướng tài là Ngô Quyền, trung hậu, thẳng thắn và Kiều Công Tiễn, mưu mô, gian ác. Dương Diên Nghệ có người con gái là Dương Như Ngọc, tuổi vừa đôi mươi, tài sắc vẹn toàn, Ngô Quyền và Kiều Công Tiễn đều yêu thương Như Ngọc. Để tỏ sự công bằng và chọn người tài ba nhằm gả chồng cho con gái, Dương Diên Nghệ tổ chức cuộc thi tuyển cho nha tướng có cơ hội thi thố tài năng. Cuối cùng chỉ còn Ngô Quyền và Kiều Công Tiễn được lọt vào vòng chung kết. Cuộc thi phi ngựa và phóng lao đến lúc kết thúc, con bạch mã của Ngô Quyền lao về phía trước bỏ rơi con hắc mã của Kiều Công Tiễn, tức giận trước đối thủ, Kiều Công Tiễn rút cung bắn vào chân ngựa bạch mã cũng là lúc ngọn đao của Ngô Quyền cắm vào mục tiêu hình nộm.
Tài ba và dũng khí của Ngô Quyền làm mọi người thán phục, Ngô Quyền chiếm được trái tim Như Ngọc giữa ba quân.

Cùng quê cha đất tổ với Bố Cái Đại Vương, Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (897) ở Đường Lâm. Thân phụ là Ngô Mân, vị hào trưởng đức độ và khí khái, luôn luôn tự hào trên mảnh đất quê hương đã sinh sản ra vị anh hùng đầy nghĩa khí phất cao ngọn cờ, chống trả ngoại xâm.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Lê Văn Hưu ((1230-1322, bản khắc năm 1697) hình ảnh Ngô Quyền “Khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi như cọp, có trí dũng, sức có thể nhấc vạc giơ cao”, được trau dồi võ nghệ và cung tên rất thuần thục nên tuy còn trẻ đã nổi tiếng trong vùng.
Khi Dương Diên Nghệ nuôi ba nghìn giả tử (con nuôi) nhằm ý định khôi phục thế lực nhằm tạo thơi cơ chống cự với quân Nam Hán. Trong số giả tử đó, Ngô Quyền được coi là người tin yêu nhất trong gia đình họ Dương. Và, thời gian sau, Ngô Quyền trở thành rể quý của Dương Diên Nghệ.
Dương Diên Nghệ cử Ngô Quyền cai quản xứ Thanh (Châu Ái) và Đinh Công Trứ (thân phụ Đinh Bộ Lĩnh) cai quản xứ Nghệ (Châu Hoan).

Năm Mậu Tuất (938), Dương Diên Nghệ trong chuyến đi săn ở ngoài thành bị Kiều Công Tiễn rình rập, dùng tên độc bắn chết. Loạn tướng Kiều Công Tiễn chiếm được Đại La, nhiều công thần của Dương Diên Nghệ lên án hành động gian manh bị Kiều Công Tiễn giết hại. Để đối phó với tình thế, lo sợ sự phản công, Kiều Công Tiễn cho người sang cầu cứu vua Nam Hán, nắm được cơ hội vua Nam Hán phong tước cho thái tử Hoằng Thao, đem đại quân sang đất Giao Châu.
Nhận được hung tin, Ngô Quyền sau khi làm lễ phát tang, cùng em vợ là Dương Tam Kha kêu gọi binh sĩ, được sự hưởng ứng của tất cả mọi người, Ngô Quyền thống lĩnh đạo quân kéo ra Bắc trị tôi kẻ phản phúc đang nối giáo cho quân Nam Hán. Khi kéo quân tới gần thành Đại La, Ngô Quyền phải phân vân trước hai thế lực: thù trong và giặc ngoài. Vốn dòng võ quan, Như Ngọc am tường binh thư. sách lược, phụ giúp cho chồng thu phục nhân tâm.
Sách Thiên Nam Ngữ Lục ghi lời rao tác động tâm lý được phổ biến:

“Bảo nhau dắt trẻ, phù già
Bỏ chưng Công Tiễn, về nhà Ngô Vương”

Mùa Đông năm 938, khi đại quân của Ngô Quyền vây thành Đại La, cho người dùng loa kêu gọi Kiều Công Tiễn đầu hàng, nhận được tin tức tiếp ứng, nhiều võ quan và binh sĩ nổi loạn, nội tình rrối loạn, Ngô Quyền đột phá cổng thành, bắt Kiều Công Tiễn, lên án kẻ phản bội rồi chém đầu.
Trong khi đó vua Nam Hán bàn thảo kế hoạch tiến công, Tiêu Ích cho rằng “Đường bể hiểm và xa, Ngô Quyền là người kiệt liệt, không nên khinh thường” (Việt Sử Tiêu Án), nhà vua không nghe, cho đạo quân xuôi Nam bằng đường thủy.

Tháng 12 năm 938, Ngô Quyền áp dụng chiến thuật vừa đánh vừa nhử, một mặt cho quân sĩ cắm cọc nhọn bịt sắt dưới lòng sông Bạch Đằng, một mặt cho thủy quân dùng thuyền nhẹ ra vịnh Hạ Long khiêu chiến rồi rút dần vào cửa sông Bạch Đằng. Hoằng Thao cho chiến thuyền đuổi theo, đợi khi thủy triều xuống, quân sĩ của Ngô Quyền mai phục hai bên bờ sông tung ra xông trận, thủy quân Nam Hán hoảng hốt quay thuyền tháo lui, bị cọc sát đâm thủng, quan quân rối loạn, hàng ngũ tan rã, Hoằng Thao bị giết, máu quân Nam Hán loang đỏ dòng sông.
Chiến thắng lẫy lừng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng với quân ngoại xâm ghi lại chiến tích hào hùng cho trang sử, đem lại quyền tự chủ của dân tộc sau 11 thế kỷ bị nội thuộc.

Năm Kỷ Hợi (939) Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), nhà vua đặt lại triều chính, chỉnh đốn cơ nghiệp cho triều đại dành được quyền tự chủ nhưng rất tiếc, Ngô Quyền làm vua được 6 năm, qua đời ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn (944) , thọ 47 tuổi. Đền thờ Ngô Vương được lập ở Đường Lâm
Sau nầy Hưng Đạo Vương đại phá quân Nguyên cũng trên dòng sông Bạch Đằng ghi lại chiến công hào hùng nhất trong lịch sử nước nhà làm vẻ vang dân Việt.

Vào thế kỷ XIII, bài thơ Hành Dịch Đăng Gia Sơn của danh sĩ Phạm Sư Mạnh, học trò xuất sắc của Chu Văn An được lưu truyền cho hậu thế hình ảnh thật hào hùng:

Hành dịch đăng gia sơn,
Kiều thủ vạn lý thiên.
Đổ bằng nam minh ngoại,
Tân nhật đông nhạc tiền.
Yên Phụ thiên nhất ác,
Tượng Đầu nhẫn cửu thiên.
Tằng tằng Tử Tiêu vân,
Hội phỏng An Kỳ tiên.
Húng húng Bạch Đằng đào,

Tưởng tượng Ngô Vương thuyền.
Ức tích Trùng Hưng Đế,
Khắc chuyển khôn oát kiền.
Hải phố thiên mông đồng,
Hiệp môn vạn tinh chiên.
Phản chưởng điện ngao cực,
Vãn Hà tẩy tinh chiên.
Chí kim tứ hải dân,
Trường thuyết cầm Hồ niên.”

Dịch Nghĩa
Nhân Đi Việc Quan, Lên Chơi Núi Quê Nhà

Nhân đi việc quan, thăm núi quê nhà,
Ngẩng đầu nhìn giữa trời cao muôn dặm.
Thấy chim bằng tận ngoài biển Nam,
Đón mặt trời trước dãy núi phía Đông.
Núi Yên Phụ cách trời trong khoảng tất,
Núi Tượng Đầu cao chín nghìn mẫu .
Lớp lớp trời mây phủ trên đỉnh Tử Tiêu,
Nhân dịp hỏi thăm tiên An Kỳ.
Sóng Bạch Đằng cuồn cuộn.

Tưởng tượng tới thuyền của Ngô Vương.
Tưởng nhớ hình ảnh vua Trùng Hưng xưa,
Khoảnh khắc làm xoay chuyển đất trời.
Hàng nghìn chiến thuyền ngoài cửa biển,
Muôn vạn lá cờ lệnh trên cửa ải.
Trở bàn tay tạo bờ cõi bình yên
Kéo nước sông Ngân rửa sạch vết tanh hôi.
Mãi đến hôm nay lòng dân cả nước,
Nhắc mãi năm xưa đuổi bắt giặc Hồ.
Sách Đai Nam Quốc Sử Diễn Ca lược ghi:
“Bạch Đằng một trận giao phong
Hoằng Thao lạc vía, Kiều Công nộp đầu
Quân thân đã chính cương trù
Giang sơn rấy có vương hầu chủ trương
Về Loa Thành mới đăng quang
Quang danh cải định, triều cương đặt bày...”


Bài phú Bạch Đàn Giang Phú của Trương Hán Siêu vào thế kỷ XIV đời nhà Trần nói lên hình ảnh trong chiến trận Bạch Đằng:

Bát ngát sóng kình muôn dặm
Thướt tha đuôi trĩ một màu...
... Sông chìm giao ngã, gò đầy xương khô...
Đến nay nước sông tuy chảy hoài
Mà nhục quân thù không rửa nổi

Tác giả: Vương Trùng Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây